Gia đình ngư dân bị Trung Quốc bắt ngóng tin người thân
Mấy ngày nay, bà Phan Thị Ánh, vợ thuyền trưởng Bùi Thu như "ngồi trên đống lửa" khi nghe tin chồng, con bị Trung Quốc bắt giữ trong lúc hành nghề đánh cá ở vùng biển Hoàng Sa.
> Việt Nam yêu cầu Trung Quốc thả ngay ngư dân và tàu cá
Chiều 22/3, ngồi bên hiên nhà trên huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), bà Ánh thở dài: "Mấy ngày qua tui chẳng còn thiết ăn uống làm lụng gì. Nghe báo tin Trung Quốc yêu cầu phải nộp 70.000 nhân dân tệ, tính ra khoảng 200 triệu đồng một tàu chuộc thì mới thả người về, tui rụng rời chân tay".
 |
Mẹ và con gái thuyền trưởng Trần Hiền mong đợi người thân trở về. Ảnh: Trí Tín. |
Chồng bà Ánh là Bùi Thu làm thuyền trưởng tàu đánh cá. 20 ngày trước tàu của ông cùng tàu của thuyển trưởng Trần Hiền hành nghề ở vùng biển Hoàng Sa thì bị Trung Quốc bắt. Chỉ có mình anh Hiền được phép thay mặt toàn bộ 21 ngư dân của 2 tàu liên lạc về quê để báo tin bị bắt và yêu cầu trả tiền chuộc 70.000 nhân dân tệ thì Trung Quốc mới thả người. Trong những người bị bắt giữ có cả con trai thứ ba của bà Ánh là Bùi Văn Lan.
Vợ anh Lan, chị Đỗ Thị Gái đưa tay sờ bụng bầu, ngân ngấn nước mắt: "Chồng đi biển kiếm tiền, em ở nhà đi làm thuê mới đủ nuôi hai con nhỏ. Nghèo khó mà giờ chồng bị bắt giữ, còn đòi tiền chuộc thì em và mẹ chồng biết lấy đâu ra".
Chủ chiếc tàu do anh Hiền làm thuyền trưởng là ông Lê Vinh, ở thôn Tây, xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn. Ông cho biết, tàu xuất bến sáng 29/2. Đến chiều 12/3 thì vợ anh Hiền hớt hải đến nhà thông báo là 2 tàu cùng toàn bộ thuyền viên đã bị Trung Quốc bắt đưa về giam giữ ở đảo".
Vào tháng 8/2003 và tháng 2/2009, tàu của ông cũng lâm vào tình trạng tương tự. Trung Quốc đưa ra yêu sách phải nộp mỗi lần 50.000 nhân dân tệ mới cho về. "Mỗi lần bị Trung Quốc bắt là nợ nần chồng chất, đến khi vay mượn nộp đủ tiền chuộc tàu về thì cả người và phương tiện cũng tơi tả theo. Thủy sản đánh bắt được và trang thiết đều bị tịch thu", ông Vinh bức xúc.
 |
Người vợ, người mẹ ngư dân bị bắt chờ tin chồng con. Ảnh: Trí Tín. |
Vòng vèo quanh ngõ xóm mới đến nhà thuyền trưởng Trần Hiền, vợ anh là chị Lê Thị Phúc đã vào Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi sinh con. Bà Đinh Thị Hội (mẹ thuyền trưởng Hiền) tâm sự: "Mấy năm nay thằng Hiền ra biển Hoàng Sa đánh bắt, liên tục bị tàu của Trung Quốc đập phá tài sản, giờ còn bắt người đòi tiền chuộc. Nó nói ráng đi chuyến này dành dụm tiền về lo cho vợ sinh nở, ai ngờ giờ vợ đẻ mà vẫn chưa thấy về".
Nằm trong phòng hậu sản, chị Phúc (vợ thuyền trưởng Hiền) kể: "Phía Trung Quốc gọi điện đòi tiền chuộc, tui khóc lóc, van xin nói là sắp sinh con không có tiền nhưng người phiên dịch phía Trung Quốc nói không có tiền thì người không được thả về rồi cúp máy".
Bà Phạm Thị Hương, Phó chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn cho biết, qua xác minh, 21 ngư dân đang hành nghề ở ngư trường truyền thống trên vùng biển Hoàng Sa. Huyện đã gửi văn bản báo cáo tỉnh, đề nghị Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao can thiệp thả người.
"Chúng tôi cũng đã làm việc với gia đình các ngư dân, cương quyết không nộp tiền chuộc tránh gây tiền lệ xấu về sau", bà Hương nói.
Chiều 21/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị khẳng định, việc Trung Quốc bắt giữ, cản trở ngư dân Việt Nam đang hoạt động nghề cá tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, các quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Việt Nam kiên quyết phản đối hành động này của Trung Quốc, yêu cầu thả ngay, vô điều kiện các ngư dân và tàu cá nói trên, chấm dứt việc bắt giữ, cản trở ngư dân Việt Nam tại các vùng biển của Việt Nam.
Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết đã gặp Đại sứ quán Trung Quốc để trao công hàm nêu rõ lập trường của Việt Nam và đang tiếp tục đấu tranh để giải quyết vụ việc, bảo đảm lợi ích chính đáng của ngư dân.
Trí Tín