Cuộc chiến của những bệnh nhân ung thư
Trong không gian chật chội đến ngột ngạt mà tấm lòng mỗi người bệnh ở đây thật rộng mở... Họ kết lại thành một khối để "đè bẹp tử thần". Khẩu hiệu họ cùng nêu cao là: phải sống bằng mọi giá!
Chỉ dừng lại ở một góc bệnh viện K - Khoa ngoại trú (Hà Nội) cũng đủ để mọi người hình dung sự quá tải tại bệnh viện này. Tổng số có 8 phòng dành cho bệnh nhân, trong đó có 2 phòng dành cho bệnh nhân nhu cầu trả chi phí tự nguyện để được nằm 1 người /1 giường.
Mỗi phòng chỉ khoảng chừng 16m2, với 4 chiếc giường bệnh. Như vậy toàn khoa có 32 giường bệnh nhưng phải chịu sức chứa ngoài sức tưởng tượng. Lịch mổ cho thấy mỗi ngày có từ 8 đến 10 ca.
Một tuần sẽ có gần 50 người bệnh đã qua phẫu thuật. Họ phải điều trị nội trú ít nhất 8 tuần. Như thế, có lúc nội trú tại khoa gần 400 bệnh nhân! Trung bình một giường rộng 1,2m dành cho trên 10 người bệnh.
Nếu tính cả người thân chăm sóc bệnh nhân số người sẽ gấp đôi như thế! Gầm giường, nền nhà và cả hành lang đều chật cứng người. Những ngày nóng sắp tới, không gian này sẽ ngột ngạt đến mức nào! Chương trình Gặp nhau cuối năm vừa rồi có chi tiết hài hước bệnh nhân bò từ trong gầm giường ra chào Bộ trưởng Bộ Y tế tới thăm quả không ngoa chút nào.
Có người may mắn chiếm được chỗ gầm cầu thang chịu tối tăm, muỗi đốt nhiều một chút nhưng hạnh phúc với “khoảng trời riêng” yên tĩnh, không chịu một sự “va quệt” nào!
Nhiều bệnh nhân chuyển qua giai đoạn truyền hóa chất, với chiếc giường bạt gấp, họ được cơ động ở mọi vị trí có thể như hành lang, gốc cây, hè phố...! Trước thực trạng thiếu giường bệnh nghiêm trọng như vậy, các bác sĩ, y tá, điều dưỡng viên cũng vui lòng lựa chân, tìm lối đi và tận tình phục vụ.
Tất cả bệnh nhân tại khoa này là những bà, những mẹ, những chị. Hầu hết họ là những những người phụ nữ đã và đang giữ thiên chức làm mẹ. Đôi gò bồng đảo - những “Tòa thiên nhiên”- những “kiệt tác của tạo hóa” từng một thời nâng niu, gìn giữ, bây giờ bị căn bệnh quái ác hủy hoại, buộc phải cắt hết, “san phẳng” để hy vọng bảo toàn mạng sống.
Thật xót xa! Đau đớn nhưng không được phép bi quan và càng không được phép tuyệt vọng. Tất cả các bà, các mẹ, các chị đều dặn nhau và nhắc mình như thế. Từ bốn phương xa lạ về đây nhưng mọi người yêu thương, đùm bọc, hỗ trợ nhau như người ruột thịt.
Họ dành cho nhau từng ly nước, miếng quà; nhường cho nhau tấm chăn, manh áo; chia sẻ với nhau kinh nghiệm tích lũy trong dân gian, động viên nhau ráng ăn uống để đủ sức chiến thắng bệnh tật, người khỏe nâng đỡ người yếu, người phẫu thuật trước nhường chỗ nằm cho người phẫu thuật sau...
Trong không gian chật chội đến ngột ngạt mà tấm lòng mỗi người bệnh ở đây thật rộng mở... Họ kết lại thành một khối để "đè bẹp tử thần". Khẩu hiệu họ cùng nêu cao là: phải sống bằng mọi giá!
Bài học họ truyền miệng cho nhau là: phải kết hợp thành tựu tân tiến nhất của y học hiện đại với tinh hoa quý giá đúc kết từ y học cổ truyền; kết hợp tri thức văn minh, khoa học với niềm tin tín ngưỡng, tâm linh.
Họ cùng nhắc nhau giờ tiêm, giờ uống thuốc và cũng bày cho nhau sắm lễ mời thầy cúng và làm giúp nhau những lá bùa trừ tà ma, hộ mệnh!
Họ ghi chép vào sổ tay những thực phẩm và cách chế biến cần bồi bổ như tủy bò, hải sản,... những thứ để tạo nên hỗn hợp sao vàng hạ thổ làm bùa mang bên mình như: chín chiếc gai bồ kết, chín lát gừng tươi, chín nhánh tỏi...
Tôi tin căn bệnh hiểm nghèo sẽ bị họ đẩy lùi.
Kiều Tập